Có bắt buộc phải thành lập ban quản trị nhà chung cư?

Việc thành lập ban quản trị nhà chung cư sẽ phụ thuộc vào số chủ sở hữu, số căn hộ theo quy định tại Luật Nhà ở.

Ban quản trị nhà chung cư không còn là một khái niệm quá xa lạ khi mà hiện nay chung cư được xây dựng ngày một nhiều, nhất là ở các thành phố lớn đất chật, người đông như TP.HCM hay Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nhầm lẫn giữa ban quản trị chung cư và ban quản lý chung cư và liệu chung cư thì có phải có ban quản trị để đảm bảo quyền lợi cho người dân hay không?

Theo Thông tư 02/2016/TT-BXD thì ban quản lý chung cư được hiểu là đơn vị được chủ đầu tư lập ra hoặc thuê bên thứ ba để quản lý và vận hành chung cư (quản lý các vấn đề như bảo trì, phí quản lý…. giữa cư dân và chủ đầu tư). Khác với ban quản lý, ban quản trị được lập theo Luật Nhà ở.


Hiện nay, không có định nghĩa cụ thể về ban quản trị nhà chung cư, tuy nhiên có thể hiểu đây là tổ chức do các chủ sở hữu căn hộ chung cư bầu ra để đại diện cho họ. Theo Luật Nhà ở thì tuỳ từng trường hợp mà có bắt buộc phải thành lập ban quản trị nhà chung cư hay không.

Cụ thể, đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ thì việc thành lập ban quản trị hay không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất quyết định.

Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên thì bắt buộc phải thành lập ban quản trị nhà chung cư. Thành phần bao gồm đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư, đại diện chủ đầu tư (nếu có); trường hợp người sử dụng nhà chung cư tham gia Hội nghị nhà chung cư thì thành phần Ban quản trị nhà chung cư có thể gồm cả người sử dụng.

Việc bầu ban quản trị nhà chung cư sẽ được thực hiện thông qua Hội nghị nhà chung cư theo nguyên tắc đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *